BlogSức khỏe

Bong Gân Cổ Chân Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Xử Lý Khi Bị Bong Gân

Bong gân cổ chân là tình huống chấn thương thường xảy ra sau các vụ té ngã khi vận động. Trong đó, trường hợp bong gân nhẹ nhìn chung có thể tự lành hoặc cải thiện nhanh chóng khi được chăm sóc đúng cách, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng hơn, các chuyên gia y tế có thể yêu cầu can thiệp phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Hãy cùng Làm Đẹp Khỏe tìm hiểu qua bài viết này.

Bong gân cổ chân là gì?

Bong gân cổ chân là tình trạng dây chằng bên ngoài hoặc bên trong cổ chân bị căng giãn hoặc đứt sau khi xảy ra va chạm hoặc té ngã khi tham gia vào các hoạt động thể chất. Theo đó, dây chằng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho khớp cổ chân ổn định và ở vị trí đúng, cụ thể có:

  • Dây chằng ngoài cổ chân gồm có các dây chằng mác sên phía trước và sau cùng với dây chằng mác gót.
  • Dây chằng trong cổ chân bao gồm dây chằng denta với lớp nông và lớp sâu.
  • Được biết, hầu hết các trường hợp bị bong gân thường liên quan đến chấn thương của nhóm dây chằng ngoài cổ chân.
Bong gân cổ chân là gì
Bong gân cổ chân thường xảy ra với dây chằng ngoài cổ chân

Phân độ bong gân cổ chân

Cấp độ chấn thương khi bị bong gân chân được phân loại dựa theo mức độ tổn thương của dây chằng, cụ thể như sau:

  • Cấp độ 1: Dây chằng bị căng giãn nhẹ hoặc bị rách một số vết nhỏ, dẫn tới cổ chân bị sưng đau khi chạm vào.
  • Cấp độ 2: Dây chằng không rách hoàn toàn nhưng có dấu hiệu đứt, cổ chân lỏng lẻo hơn một chút, bị sưng tấy và đau khi di chuyển.
  • Cấp độ 3: Dây chằng đứt hoàn toàn, dẫn tới cổ chân sưng nghiêm trọng và khớp cổ chân lỏng lẻo hoàn toàn.

Nguyên nhân và triệu chứng bong gân cổ chân

Bong gân cổ chân là loại chấn thương không hiếm gặp với những ai thường xuyên chạy, nhảy với cường độ cao. Một số nguyên nhân và triệu chứng dễ thấy nhất gồm có:

Nguyên nhân cổ chân bị bong gân

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc bạn có thể bị bong gân khi vận động thường rơi vào các trường hợp:

  • Bị tổn thương khi tiếp chân xuống sau khi nhảy hoặc xoay cơ thể chỉ bằng 1 chân.
  • Cổ chân bị chấn thương đi bộ hoặc chạy nhảy trên các bề mặt quá gồ ghề.
  • Bị vật nặng đè lên chân hoặc bị ai đó giẫm lên chân.
  • Bị chấn thương nặng do té ngã hoặc tai nạn, khi đó, bàn chân có thể bị lật vào trong hoặc lật ra ngoài.
nguyên nhân cổ chân bị bong gân
Bị giẫm lên chân có thể gây ra tình trạng bong gân cổ chân

Triệu chứng bong gân cổ chân thường gặp

Nhìn chung, khi bị bong gân cổ chân, bạn có thể nhận biết bởi các triệu chứng rất phổ biến như:

  • Đau cổ chân.
  • Cổ chân sưng tấy.
  • Cổ chân bị bầm tím.
  • Cảm giác khớp chân bị lỏng lẻo.
  • Di chuyển, đi lại khó khăn.

Triệu chứng bong gân cổ chân kéo dài bao lâu?

Sau khi chân bị bong gân, triệu chứng sưng thường không xuất hiện ngay lập tức mà thường sẽ xuất hiện sau vài giờ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, dấu hiệu sưng đau có thể kéo dài cho đến khi dây chằng bị tổn thương hồi phục, thông thường mất từ 6 đến 12 tuần.

Triệu chứng bong gân kéo dài bao lâu
Triệu chứng bong gân nặng có thể kéo dài 6 – 12 tuần

Khi nào cần phải gặp bác sĩ?

Khi phát hiện triệu chứng sưng và đau ở cổ chân sau va chạm, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời nếu bị lật cổ chân. Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc bị sưng đau có thể là dấu hiệu cảnh báo về các chấn thương nặng như gãy xương cổ chân hoặc cẳng chân. Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân để hồi phục sức khỏe một cách hiệu quả.

Bong gân cổ chân có nguy hiểm hay không?

Bong gân cổ chân nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh hoạt động trở lại quá sớm sau chấn thương hoặc bị tái phát nhiều lần, có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Thường xuyên đau cổ chân.
  • Viêm hoặc thoái hoá khớp cổ chân.
  • Khớp cổ chân bị mất ổn định mãn tính.
Bong gân cổ chân có nguy hiểm hay không
Bong gân cổ chân nhiều lần có thể gây thoái hóa khớp

Phương pháp chẩn đoán chấn thương bong gân

Khi thăm khám tình trạng bong gân cổ chân, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng cổ chân, bàn chân cùng với các tổn thương liên quan. Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang: Để đánh giá vị trí các xương ở vùng cổ chân.
  • Siêu âm: Nhằm đánh giá tình trạng tổn thương của dây chằng trong cổ chân.
  • Chụp CT: Xem hình ảnh chi tiết về xương và các khớp trong vùng cổ chân.
  • Chụp cộng hưởng: Xem được hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của các cấu trúc bên trong cổ chân, bao gồm cả dây chằng.

Cần làm gì khi bị gặp chấn thương bong gân cổ chân?

Gặp phải chấn thương bong gân cổ chân, bạn có thể áp dụng những cách chữa trị cơ bản và hiệu quả dưới đây:

Sơ cứu và chăm sóc tại nhà

Khi cảm thấy đau gân cổ chân, bạn nên áp dụng phương pháp PRICE trong khoảng 24 – 48 giờ đầu tiên như sau:

  • P – Protection: Sử dụng nẹp và đi nạng để bảo vệ cổ chân tránh tổn thương thêm.
  • R – Rest: Hạn chế hoạt động như chạy, nhảy, tập thể dục để giảm nguy cơ tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • I – Ice: Chườm đá vào vùng cổ chân trong khoảng 20 phút để giảm sưng.
  • C – Compression: Sử dụng băng ép hoặc nẹp gỗ để cố định khớp cổ chân.
  • E – Elevation: Giơ cổ chân cao hơn tim khi ngồi hoặc nằm để giảm sưng đau.
sơ cứu và chăm sóc tại nhà
Áp dụng phương pháp PRICE tại nhà khi bị bong gân cổ chân

Dùng thuốc hợp lý

Khi thăm khám, bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế có thể đề xuất bệnh nhân dùng các loại thuốc như NSAIDs, acetaminophen để giảm đau và hạn chế sưng tấy khi bệnh nhân bị bong gân.

Tránh vận động vùng cổ chân

Trong trường hợp chấn thương cổ chân nặng (cấp độ 3), việc sử dụng nẹp vải hoặc nẹp bột để bất động cổ chân trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuần là vô cùng cần thiết để các dây chằng có thể phục hồi. Nếu bắt đầu vận động quá sớm sau chấn thương, người bệnh có thể gặp tình trạng mất ổn định vùng khớp cổ chân mãn tính.

Vật lý trị liệu

Sau khi cổ chân đã có thể di chuyển nhẹ nhàng, bác sĩ sẽ đề xuất người bệnh tiến hành một số phương pháp vật lý trị liệu. Quá trình điều trị sẽ bao gồm các bài tập nhằm khôi phục phạm vi chuyển động, tăng cường sức mạnh, tính linh hoạt và sự ổn định cho cổ chân. Đầu tiên, người bệnh cần tập luyện để cải thiện thăng bằng và ổn định bằng cách nâng cao khả năng điều chỉnh các cơ cổ chân, ví dụ như đứng trên một chân.

Ngoài ra, bác sĩ có thể đề xuất các bài tập khác tùy thuộc vào từng trường hợp chấn thương cụ thể. Nếu bị bong gân ở khớp cổ chân do tập luyện thể thao, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ để biết thời điểm phù hợp để tham gia trở lại hoạt động thể thao đó.

vật lý trị liệu
Bài tập vật lý trị liệu được chỉ định tùy theo mức độ chấn thương

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp hiếm, nếu vẫn không thấy cải thiện sau khi sử dụng thuốc, tập vật lý trị liệu và không hoạt động khớp cổ chân, bác sĩ có thể quyết định phẫu thuật để ổn định khớp cổ chân, tránh nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng của tình trạng bong gân cổ chân.

Bong gân cổ chân có thể tự khỏi được không?

Các trường hợp bị bong gân cổ chân nhẹ thường có thể tự lành. Nhưng khi tình trạng trở nặng, bạn cần can thiệp điều trị để tránh những biến chứng xảy ra. Quá trình phục hồi cho cổ chân luôn đóng vai trò quan trọng, giúp ngăn ngừa nguy cơ chấn thương tái phát sau này. Những trường hợp mắc phải sưng đau kéo dài hơn 4 – 6 tuần sau va chạm có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong di chuyển, có nguy cơ bị thoái hóa khớp cổ chân mãn tính.

bong gân cổ chân có thể tự khỏi được không
Hầu hết tình trạng bong gân nhẹ có thể tự khỏi

Cách phòng ngừa bong gân cổ chân khi vận động

Các biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa tình trạng bị bong gân:

  • Khởi động trước khi tập thể dục hoặc tham gia vào các hoạt động thể thao.
  • Cẩn trọng khi chạy bộ, đi bộ hoặc tham gia vận động trên các bề mặt không bằng phẳng.
  • Sử dụng nẹp hoặc băng đeo hỗ trợ cho vùng cổ chân nếu đã bị thương trước đó.
  • Chọn giày vừa vặn và phù hợp với từng hoạt động thể thao.
  • Hạn chế sử dụng giày cao gót.
  • Tăng cường luyện tập để duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp.

Qua bài viết, có thể thấy, tình trạng bong gân cổ chân có thể hồi phục hoàn toàn mà không gặp phải những biến chứng nếu có sự chăm sóc đúng cách và can thiệp kịp thời từ các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, việc đảm bảo vận động an toàn và sử dụng thiết bị bảo vệ phù hợp là điều vô cùng quan trọng để giảm thiểu nguy cơ bị đau gân cổ chân trong tương lai.

Tin liên quan

Back to top button