BlogSức khỏe

Rách Cơ Đùi Là Gì? Rách Gân Cơ Đùi Sau Thường Gặp Ở Những Đối Tượng Nào?

Rách cơ đùi là một trong những chấn thương phổ biến trong thể thao, khi đó các sợi cơ ở đùi bị kéo căng hoặc rách. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, gây đau đớn và làm hạn chế khả năng vận động của chân. Vậy dấu hiệu rách cơ đùi sau là gì và đối tượng nào thường gặp chấn thương này? Hãy cùng Làm Đẹp Khỏe tìm hiểu khái niệm và những trường hợp thường gặp và cách điều trị loại chấn thương này sau nhé.

Rách cơ đùi sau là gì?

Rách cơ đùi sau là tình trạng các sợi cơ bị căng giãn quá mức hoặc thậm chí bị xé rách một phần hoặc hoàn toàn. Đây là chấn thương thường xảy ra ở điểm bám của ba cơ thuộc nhóm cơ đùi sau hoặc dọc theo đường đi của các sợi cơ. Một số ít trường hợp, loại chấn thương này có thể được nhận biết bằng âm thanh “phựt” sau khi cơ bị tổn thương.

Rách cơ đùi sau là gì
Rách cơ đùi sau có 3 mức độ nghiêm trọng khác nhau

Chấn thương được chia thành 3 mức độ nghiêm trọng khác nhau:

  • Cấp độ 1: Đây là mức độ chấn thương nhẹ nhất, khi đó các sợi cơ chỉ bị kéo căng quá mức mà chưa bị rách. Người bệnh cảm thấy sưng nhẹ và đau cơ đùi.
  • Cấp độ 2: Ở mức độ chấn thương này, các sợi cơ đã bị rách một phần hoặc tách khỏi bao gân. Bệnh nhân cảm thấy sưng, đau đùi sau nhiều hơn và gặp khó khăn khi vận động chân.
  • Cấp độ 3: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất và có rất ít trường hợp gặp phải. Ở mức độ này, cơ đùi sau bị rách hoàn toàn và tách rời khỏi phần gân, dẫn đến tình trạng đau dữ dội, sưng phù nhiều kèm theo bầm tím và cơ đùi sau mất khả năng vận động

Đặc điểm của gân cơ đùi sau

Cơ đùi sau hay còn gọi là cơ Hamstring gồm ba cơ chính: cơ nhị đầu đùi, cơ bán gân, và cơ bán màng. Nhóm cơ này nằm ở phía sau vùng đùi, với điểm bám trên là ụ ngồi của khung chậu và điểm bám dưới là phần sau của đầu gối.

đặc điểm của gân cơ đùi sau
Cơ đùi sau gồm ba cơ chính là cơ nhị đầu đùi, cơ bán gân, và cơ bán màng

Chức năng chủ yếu của nhóm cơ đùi sau là tham gia vào trực tiếp vào các động tác như gập gối và duỗi đùi. Ngoài ra, những cơ này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hàng ngày như chạy, nhảy và các vận động chung của cơ thể.

Đối tượng hay gặp chấn thương rách gân cơ đùi sau?

Rách gân cơ đùi sau thường sẽ xảy ra khi có sự thay đổi đột ngột trong vận động, ví dụ như khởi động quá nhanh và dừng lại đột ngột, khiến cơ không kịp thích nghi. Đây cũng là lý do tại sao chấn thương này thường gặp ở các cầu thủ bóng đá, vận động viên bóng chuyền và bóng rổ.

Ngoài ra, rách cơ đùi sau có thể xuất hiện cấp tính khi các sợi cơ bị căng giãn quá mức hoặc mạn tính do các động tác liên quan đến nhóm cơ này lặp đi lặp lại, gây quá tải dần. Thông thường, rách gân cơ đùi sau thường là cấp tính trên nền mạn tính có sẵn, nghĩa là các cơ bị quá tải và khi gặp một hoạt động gắng sức quá mức, các sợi cơ này sẽ bị rách.

Dấu hiệu nhận biết chấn thương rách gân cơ đùi sau

Khi thực hiện một hoạt động quá sức, có một số dấu hiệu giúp gợi ý rằng bệnh nhân có thể bị rách gân cơ đùi sau:

  • Cảm giác đau nhói và căng cơ đùi sau khi gập gối hoặc thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy nhảy. Độ đau có thể nhẹ hoặc dữ dội, tùy thuộc vào mức độ rách gân cơ và thường không giảm khi nghỉ ngơi.
  • Sưng và bầm tím xuất hiện ở vùng đùi sau.
  • Cơ yếu đi hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động ở vùng đùi bị tổn thương.
dấu hiệu nhận biết chấn thương rách cơ đùi sau
Dấu hiệu rách cơ đùi là sưng và bầm tím xuất hiện ở vùng đùi sau

Phương pháp điều trị rách gân cơ đùi sau như thế nào?

Để điều trị loại chấn thương này, một phương pháp hiệu quả và có thể thực hiện tại nhà là phương pháp RICE:

  • Rest (Nghỉ ngơi): Khi cơ đùi sau bị rách, việc quan trọng nhất là để nhóm cơ này nghỉ ngơi đầy đủ, giúp cơ có thời gian hồi phục.
  • Ice (Chườm lạnh): Chườm lạnh trong khoảng 10-15 phút mỗi lần, nhằm giảm sưng và đau. Phương pháp này nên được áp dụng trong vòng 24 giờ sau khi bị chấn thương.
  • Compression (Băng ép): Băng ép vùng cơ bị tổn thương giúp giảm sưng và giữ cho cơ được nghỉ ngơi. Sử dụng vải hoặc băng thun để quấn quanh đùi với lực ép vừa phải.
  • Elevation (Nâng cao chân): Nâng cao chân giúp giảm sưng nề và hỗ trợ tuần hoàn máu, làm giảm dịch viêm.
phương pháp điều trị rách gân cơ đùi sau
Áp dụng phương pháp RICE tại nhà khi bị rách cơ đùi sau

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát cơn đau cơ đùi và giảm sưng theo đơn của bác sĩ.

Rách gân cơ đùi sau bao lâu thì hồi phục?

Thời gian để hồi phục rách gân cơ đùi sau sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Đối với rách cơ mức độ 1 và 2, bệnh nhân thường cần khoảng 3-5 tuần để hồi phục và có thể trở lại các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nghiêm trọng hơn như rách cơ mức độ 3 hoặc bệnh nhân cần phẫu thuật nối cơ, thời gian hồi phục kéo dài đến khoảng 6 tháng, kèm theo việc thực hiện vật lý trị liệu để có thể hoạt động bình thường trở lại.

Lưu ý khi bị rách gân cơ đùi sau

Để tránh và hạn chế xảy ra tình trạng nghiêm trọng, người bệnh cần chú ý một số điểm sau:

  • Thực hiện các động tác khởi động kỹ càng cho nhóm cơ đùi sau cũng như các nhóm cơ khác trước khi thực hiện các hoạt động mạnh.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện hàng ngày để giữ sức khỏe, duy trì cân nặng và tăng cường sức chịu đựng cho cơ đùi sau.
  • Tránh thực hiện các động tác sai tư thế hoặc nâng vật nặng quá mức.
  • Sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động và dụng cụ thể dục thể thao để giảm nguy cơ rách gân cơ đùi sau.
  • Các vận động viên chuyên nghiệp cần tuân thủ hướng dẫn của huấn luyện viên và bác sĩ, đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp.
lưu ý khi bị rách gân cơ đùi sau
Hãy duy trì luyện tập tại nhà để nhanh chóng hồi phục cơ

Kết luận

Trên đây là những tổng hợp về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ giúp người bị rách cơ đùi sau có thể phòng tránh và xử lý kịp thời khi gặp phải. Bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách, người bệnh có thể giảm thiểu rủi ro và hồi phục nhanh chóng sau chấn thương.

Tin liên quan

Back to top button